Đẩy mạnh mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp
Trao đổi với evn.com.vn, ông Lê Trí Thiện – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời giạn qua, nhà trường đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và tăng cường gắn kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Lê Trí Thiện |
PV: Thưa ông, ông đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực và công tác đào tạo của EVN hiện nay?
Ông Lê Trí Thiện: Với đích đến trở thành một doanh nghiệp phát triển bền vững, một tổ chức có văn hoá học tập hiệu quả, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực (PTNNL) là công tác thường xuyên, liên tục và rất được quan tâm trong toàn EVN. Tôi cho rằng điều này giúp EVN dễ dàng tiếp cận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, những kiến thức về quản lý doanh nghiệp hiện đại.
Có thể nhận thấy rõ, công tác đào tạo PTNNL của EVN đến nay đã được xây dựng nề nếp, mang lại cơ hội học tập và phát triển cho mỗi CBCNV. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong công tác đào tạo đã góp phần tiết giảm chi phí và bước đầu thay đổi văn hóa học tập của người lao động. Với phần mềm E-Learning được triển khai từ năm 2018 đến nay, CBCNV trong toàn Tập đoàn đã bắt đầu hình thành thói quen tự học mọi lúc, mọi nơi. EVN và các đơn vị trong toàn Tập đoàn cũng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, từ đào tạo trực tiếp đến trực tuyến. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo PTNNL; tập trung xây dựng kho tài liệu các bài giảng đã được chuẩn hóa, ngân hàng câu hỏi, tài liệu tham khảo… và chia sẻ chung trong toàn EVN.
Đặc biệt, hệ thống giảng viên nội bộ trong EVN cũng đã đóng góp nhiều trong công tác đào tạo, giảng dạy tại EVN và các đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đánh dấu hoạt động đổi mới trong công tác đào tạo PTNNL của EVN.
PV: Nhà trường đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác đào tạo như thế nào để phù hợp xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Ông Lê Trí Thiện: Để hiện thực hóa một trong ba mục tiêu tổng quát trong công tác đào tạo PTNNL của EVN giai đoạn 2021 - 2025 là "Số hóa trong đào tạo PTNNL", hàng năm nhà trường đều tổ chức cho đội ngũ GV, CBNV tham gia xây dựng từ 10 đến 20 bài giảng E-learning vừa để phục vụ nhu cầu đào tạo cho học viên ở trường vừa góp phần tham gia xây dựng kho tài sản tri thức chung của toàn EVN. Số lượng và chất lượng bài giảng E-learning được cải thiện hàng năm. Bên cạnh đó, nhà trường còn khuyến khích giảng viên triển khai các ứng dụng số sẵn có trên nền tảng giáo dục để hỗ trong giảng dạy từ xa như Ứng dụng phiên bản Office 365 Education, áp dụng các "Giải pháp triển khai các dạng câu hỏi trong tổ chức lớp học tương tác"; triển khai các ứng dụng trong công tác quản lý phục vụ đào tạo như "Số hóa quy trình công việc liên quan đến việc xác nhận sinh viên", "Thiết kế và xây dựng trang chia sẻ dữ liệu nội bộ trường bằng ứng dụng phần mềm Giáo dục", "Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh trực tuyến",.. giúp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo trong nhà trường.
Ngoài ra, thư viện số đã được nhà trường đầu tư bên cạnh thư viện sách truyền thống và nâng cấp dần. Việc số hóa thư viện giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu, đẩy mạnh tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Để đa dạng hóa kho tàng học liệu, nhà trường sẽ từng bước chọn lọc, phân định các nội dung học liệu phù hợp với các chuyên ngành mà sinh viên theo học dựa trên nguồn học liệu có sẵn. Giai đoạn tiếp theo, sẽ cập nhật vào thư viện số nguồn học liệu từ kho học liệu do nhà trường xây dựng bám sát các nội dung chương trình mà nhà trường đào tạo. Sau đó sẽ phân loại và bổ sung vào thư viện số nguồn học liệu từ kho tài sản tri thức chung của EVN (kho tài liệu các bài giảng đã được chuẩn hóa, ngân hàng câu hỏi, tài liệu tham khảo,..) mà kho tài sản tri thức này được xây dựng từ trí tuệ tập thể của đội ngũ các chuyên gia trong toàn EVN sẽ giúp ích rất nhiều cho sinh viên khi nghiên cứu học tập các chuyên đề đặc thù, sát với thực tế của ngành Điện. Đó cũng sẽ là nét đặc thù riêng đối với các trường đào tạo chuyên ngành điện như trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh.
PV: Gần đây, nhà trường đã hưởng ứng chương trình “10 nghìn sáng kiến” trong CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, góp phần thực hiện chương trình “1 triệu sáng kiến” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động như thế nào? Ý nghĩa và hiệu quả của những sáng kiến đó.
Ông Lê Trí Thiện: Hưởng ứng chương trình “10 nghìn sáng kiến” trong CNVCLĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tập thể GV, CBNV nhà trường đã tham gia thực hiện 15 sáng kiến. Trong đó, có 03 sáng kiến được công nhận cấp Tổng công ty, 12 sáng kiến cấp trường và 01 đề tài nghiên cứu KHCN cấp trường và nhận nhiệm vụ thực hiện 03 đề tài nghiên cứu KHCN cấp Tổng công ty cho năm 2023-2024.
Một số sáng kiến tiêu biểu như: "Giải pháp sử dụng điều khiển đóng cắt nguồn điện từ xa trong trạm điện 22kV phục vụ cho công tác đào tạo" giúp công tác đào tạo nghề sửa chữa đường dây đang mang điện cấp điện áp 22kV đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người học trong quá trình huấn luyện trên lưới điện đang mang điện tại Xưởng thực tập lưới điện của nhà trường; sáng kiến "Chế tạo hệ thống tấm quang điện xoay theo hướng mặt trời" phục vụ đào tạo nghề Lắp đặt, bảo trì hệ thống năng lượng tái tạo của trường (sáng kiến này cũng đã được giải khuyến khích tại Hội thi Chế tạo đồ dùng dạy học do Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2023). Các sáng kiến mang tính ứng dụng cao giúp cải thiện hiệu quả công việc, tiết kiệm chi chí và đặc biệt là thúc đẩy tinh thần thi đua đổi mới, sáng tạo trong toàn trường.
Lớp sửa chữa lưới điện đang mang điện 22kV bằng bệ cách điện |
PV: Xin ông cho biết thực trạng hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong thời gian qua? Định hướng chương trình đào tạo của nhà trường để ngày càng gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp?
Ông Lê Trí Thiện: Trường Cao đẳng Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh (SPC HEPC) nhiều năm qua đã triển khai mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Điều này tác động tích cực tới hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng cho học viên. Đơn cử như năm 2023, nhà trường đã tổ chức tốt nghiệp cho 01 lớp cao đẳng nghề Vận hành nhà máy nhiệt điện theo mô hình hợp tác giữa 3 bên: đơn vị sử dụng lao động, nhà trường và các doanh nghiệp (như Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức, Công ty Nhiệt điện Duyên hải). Kết quả 100% học viên sau tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng và bố trí công việc ngay mà không cần phải qua giai đoạn đào tạo lại, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Các chuyên đề đào tạo chuyên sâu cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp đòi hỏi phải có trang thiết bị công nghệ cao, chi phí đào tạo lớn nên sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là vô cùng cần thiết, đôi bên cùng có lợi. Các chuyên đề như đào tạo sửa chữa điện nóng trên lưới điện đang mang điện điện áp 22kV yêu cầu cần phải có bộ dụng cụ chuyên dùng và phương tiện (xe gàu cách điện) đạt chuẩn, hay chuyên đề đào tạo thí nghiệm chẩn đoán thiết bị điện công nghệ CBM đòi hỏi phải có những thiết bị thí nghiệm hiện đại,... khi triển khai được doanh nghiệp điều động đến trường để phục vụ công tác huấn luyện. Doanh nghiệp giảm được chi phí đào tạo, nhà trường giảm bớt áp lực tài chính do phải đầu tư trang thiết bị, học viên được học và huấn luyện ngay trên thiết bị mà mình sẽ làm việc sau này.
Để tiếp tục triển khai theo hướng phối hợp này, nhà trường sẽ tiếp tục thiết kế chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp; tổ chức bộ phận quan hệ doanh nghiệp trong nhà trường để thiết lập và xây dựng mạng lưới liên kết với doanh nghiệp; tổ chức các chương trình huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên để thay đổi tầm nhìn và định hướng; mời và kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo; tuyển chọn ngay từ khi tổ chức và phân loại đầu vào theo định hướng của doanh nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
20-11-2018-2.png - 0.5 MB
20-11-2018-5.png - 0.5 MB
20-11-2018-6.png - 0.4 MB
IMG_0384.JPG - 0.2 MB
IMG_0389.JPG - 0.1 MB